Saturday 2 April 2011

Tình bạn cao cả giữa Lưu Bình và Dương Lễ

Lưu Bình và Dương Lễ là một truyện thơ Nôm Việt Nam, khuyết danh, gồm 788 câu lục bát. Đây là một câu chuyện dân gian nổi tiếng kể về hai người bạn thân là Lưu Bình và Dương Lễ.

Dương Lễ nhà nghèo, còn Lưu Bình giàu có, đem bạn về nhà ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hữu rất là tương đắc. Dương Lễ biết phận mình nhà nghèo nên ráng học, còn Lưu Bình cậy mình có của nên lười biếng, ham chơi. Ðến khoa thi, Dương Lễ thi đậu được bổ ra làm quan. Lưu Bình thi rớt nên sinh ra chán nản, ăn chơi hơn trước, thi mãi không đậu, của tiền khánh tận. Sực nhớ đến bạn ngày xưa là Dương Lễ nên tìm đến để nhờ giúp đỡ. Dương Lễ lánh mặt không tiếp, dọn cơm hẩm với dĩa cà thâm để đãi, có vẻ khinh bạc. Lưu Bình tức giận tủi nhục ra về, dọc đường ghé lại quán trọ, làm quen với một thiếu phụ tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình thi hỏng luôn hai khóa, Châu Long kiếm lời an ủi, khuyên nên bền chí, nàng sẽ lo liệu mọi việc để cho Lưu Bình yên lòng ăn học, giao hẹn khi nào thi đỗ mới tính việc vợ chồng. Trai tài gái sắc cùng sống chung một nhà, có khi Lưu Bình không nén được lòng, muốn cùng ân ái, Châu Long cương quyết từ chối, nhắc lại lời giao hẹn lúc mới gặp nhau.

Nhờ sự khuyến khích giúp đỡ của Châu Long nên Lưu Bình ráng sức học hành tiến bộ, đến khoa thi năm đó thi đỗ cao. Trở về nhà thì không thấy Châu Long đâu nữa. Hỏi thăm khắp nơi không ai biết nàng ở đâu, Lưu Bình cũng không hiểu vì sao Châu Long lại biến mất vào lúc mình đã hiển đạt, nên đâm ra lo lắng, đau khổ, nhớ thương. Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ để mắng mỏ mấy câu cho hả giận. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp. Lưu Bình toan mở miệng mỉa mai trách móc, thì bỗng thấy Châu Long từ trong bước ra chào. Dương Lễ mới giới thiệu nàng là thiếp thứ ba của mình. Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình, sợ mình không có nơi nương tựa mà bê trễ việc học hành, rồi sai vợ lẽ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ sống với nhau thân tình, khắng khít hơn xưa. Câu chuyện ca ngợi tình bạn cao cả giữa Dương Lễ và Lưu Bình.

source: http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C6%B0u_B%C3%ACnh_D%C6%B0%C6%A1ng_L%E1%BB%85

Tân cổ Lưu Bình Dương Lễ - Minh Cảnh, Chi Tam, Le Quyen

Lyric
Đóng góp: Thu Huynh

NỮ KỂ: (ngâm) Ngày xưa Dương Lễ, Lưu Bình, Thâm giao tri kỹ nặng tình cùng nhau. Họ Dương kinh sử chuốt trao, Lai kinh ứng thí chiếm ngôi đầu hiển vinh. Lưu Bình trà rượu hư thân, Tan nhà nát cửa đến tìm bạn xưa.

DƯƠNG LỄ: (nói) Quân hầu! Tên ăn mày này là ai? Đến tìm ta làm gì?
LƯU BÌNH: Lưu huynh đây! Dương hiền đệ không nhớ anh sao?
DƯƠNG LỄ: Ta không biết Lưu huynh nào cả! Nếu ngươi có đói; quân hầu! Mau dọn cho hắn một trái cà thiu và một tô cơm hẩm!
LƯU BÌNH: Bớ Dương Lễ!
VỌNG CỔ:
LƯU BÌNH: Dương Lễ ơi! Năm xửa năm xưa ta với mi còn là huynh là đệ. Hạt cơm ta mi ăn, bát nước ta mi uống, Tiết Đông sang ta lo mi lạnh, Cho áo hồ cừu mặc ngoài lụa gấm, Để cho mi an tâm theo bề học vấn Ta tặng cho mi riêng một…thư…phòng… Giỏi! Ta khen mi khéo vào cuối ra lòn. Ta phục mi đã miệt mài sôi kinh nấu sử, Khi bảng hổ tên đề mi vỗ cánh bay. Thưa thượng quan! Thằng này đối với thượng quan chí tình chí nghĩa, Nay thật buộc lòng mới lết đầu đến nhờ vả thượng quan! Hỡi ơi cái nghĩa kim bằng, Mi chỉ đáng là một trái cà thiu và một tô cơm hẩm.
DƯƠNG LỄ: (dặm) Mi thử học hành xem Trí óc của ngươi có bì được ta chăng Còn bây giờ cơm đó ăn hay không ăn là tự ý!
LƯU BÌNH: Ăn à…! Chào mi!
DƯƠNG LỄ: Lưu hiền huynh!
DƯƠNG LỄ: Hiền huynh ơi Lòng của đệ đây chỉ có đất trời chứng giám. Đệ muốn nhờ trái cà thiu và tô cơm hẩm, Để gởi Lưu huynh về cửa Khổng sân Trình. Châu Long hiền thê!
CHÂU LONG: Dạ!
DƯƠNG LỄ: Dương Lễ ta được như ngày nay Là nhờ ơn tái tạo của Lưu Bình. Vậy nàng hãy thay ta mà ban bố cho người một tia hy vọng Nếu Lưu huynh ta được nàng chiều chuộng Chắc sẽ dễ dàng lên tột đỉnh công danh. Châu Long hiền thê ơi! “Tào khang chi thê là đạo trọng”, Nhưng cái nghĩa kim bằng thì “bần tiện chi giao mạc khả vong”.
NHẠC:
NAM KỂ: Quán gấm đầu làng có nàng dệt tơ bán tơ.
NỮ KỂ: Quán gấm đầu làng có chàng ngồi bên áng thơ.
NAM KỂ: Tình tang ối a đầu làng, nàng Châu Long đã dựng quán,
NỮ KỂ: Tình tang ôi á báo ân, báo ân thay cho chồng.
NAM KỂ: Quán gấm đầu làng mấy người đời ai biết chăng?
NỮ KỂ: Quán gấm đầu làng ấy chuyện xưa rất xa xưa,
NAM KỂ: Tình tang ối a một lòng, vùi mài kinh sử đèn sách,
NỮ KỂ: Tình tang ôi á vẻ vang bảng son đề tên
VỌNG CỔ:
LƯU BÌNH: Châu tiểu thơ ơi! Lời hẹn năm xưa bây giờ nàng có nhớ, Lưu Bình tôi đã danh đề bảng hổ Có xứng được cùng ai kết nghĩa châu trần
LƯU BÌNH: Ủa sao lạ này! Sao bụi bám khung tơ nhện bủa loan phòng. Tình mà ơn, tình mà nghĩa, Nàng đi rồi ta một mình cô độc trên đỉnh công danh. Suốt cuộc đời Lưu Bình này làm sao ta tìm gặp Châu Long? Còn Dương Lễ! Dương Lễ ơi! Ta sẽ gặp mi tại công đường, Ta sẽ mắng vào mặt mi cho hả giận. Đối với ta có đáng gì đâu thám hoa hay bản nhãn, Học hay không là do chí của Lưu Bình!
LƯU BÌNH: (dặm) Dừng kiệu lạ đây! Dương Lễ! Dương Lễ đâu rồi!
DƯƠNG LỄ: Kính chào Lưu huynh!
LƯU BÌNH: Còn ai, ai đang ngồi với mi đó?
DƯƠNG LỄ: Dạ tiện nội là Châu Long!
LƯU BÌNH: Hả! Châu tiểu thơ! Châu tiểu thơ!
CHÂU LONG: Dạ, thần thiếp đích thị là Châu Long, Vâng lệnh chồng lo cho hiền huynh ăn học. Hiền huynh có nhớ trong khi gần gũi, Thiếp thường khuyên sớm khuyên trưa, Chàng chưa thi đỗ thì chưa động phòng.
LƯU BÌNH: Thôi ta đã hiểu tấm lòng cao cả của Dương Lễ Và ơn nghĩa của Châu Long. Cho đến giây phút sau cùng Ta chỉ là hòn sỏi nhỏ nằm bên cạnh non cao.
NHẠC:
NAM KỂ: Quán gấm đầu làng kết chặt tình thâm nghĩa sâu.
NỮ KỂ: Quán gấm đầu làng thắm tình bằng hữu chi giao. NAM KỂ: Tình tang ối a tình rằng: “Đời xưa nhân nghĩa là thế” NỮ KỂ: Tình tang ôi á: “Nghĩa nhân mấy ai đời nay” NAM KỂ: Tình tang ôi á: “Nghĩa nhân mấy ai đời nay”

Friday 1 April 2011

Ăn chay và quan niệm của danh nhân thế giới (3)


Trong lịch sử Ấn Độ vào thập niên 1940 và 50, nhà cách mạng bất bạo động Mohanda Gandhi đã dành lại chủ quyền cho đất nước từ trong tay thực dân Anh Quốc. Ông đã từng vào tù ra khám và được nhân dân nước Ấn tôn thờ là bậc Thánh nhân, cũng là người đã ăn chay từ thuở nhỏ. Thân sinh của ngài vốn theo đạo Hindus nên gia đình của ngài là một gia đình đạo đức và tất cả đều ăn chay theo giáo lý tốt lành của tôn giáo đó. Song dưới sự cai trị của Anh Quốc, những tư tưởng tân tiến Tây phương đã ảnh hưởng mạnh mẽ và dần dần đánh bạt một số phong tục cổ truyền của nước Ấn. Một số thanh niên thời bấy giờ đã chê bai việc ăn chay trường và thờ đạo bản xứ là hủ lậu nên họ học đòi theo lối sống Tây phương trong đó có việc ăn thịt được họ hăm hở chấp nhận hơn cả. Số người này còn khuyến dụ ông Gandhi theo trào lưu mới như bọn họ, nhưng đã bị ông từ chối. Do đó ông đã trở thành nạn nhân của sự chê bai gièm xiễm. Họ bảo rằng ăn thịt sẽ tăng cường sức khỏe, nghị lực và lòng can đảm. Nhưng ông Gandhi vẫn khăng khăng giữ vững lập trường của mình không hề xao xuyến. Không những thế ông còn viết tất cả 5 quyển sách chuyên về đề tài ăn chay và khuyên mọi người trì giới. Ông bảo: "Đã đến lúc chúng ta cần phải sửa sai một số tư tưởng lầm lẫn cho rằng ăn chay sẽ làm cho tinh thần chúng ta bị bạc nhược, thụ động và nhụt chí phấn đấu. Dù trong tình huống nào, tôi vẫn không xem việc ăn thịt là cần thiết".

Hàng ngày ông Gandhi thường dùng giá lúa mạch, bột hạnh nhân, rau xanh, chanh và mật ong trong những bữa ăn thanh đạm. Chính ngài bảo đã tìm thấy những nguyên lý và giá trị đạo đức của sự ăn chay qua các tác phẩm của nhà văn Tolstoi. Trong quyển Moral Basis of Vegetarianism (Căn bản đạo đức của chủ thuyết ăn chay), ngài viết: "Tôi khẳng định rằng thịt không phải là thức ăn thích hợp với con người. Chúng ta không nên sai lầm chạy theo lối sống của các loài cầm thú, nếu chúng ta tự coi mình cao thượng hơn các loài cầm thú đó". Ngài cũng bảo chính lòng từ bi là nguyên động lực khiến người ta ăn chay và tránh sát sinh hơn là vì lý do sức khỏe Ngài bảo sự tiến bộ về tâm linh đến một mức nào đó, con người sẽ tự ý thức và thương hại mà không giết chóc những sinh vật bạn bè của chúng ta để thỏa mãn nhu cầu của khẩu vị.






Kịch tác gia nổi tiếng Bernard Shaw (1856 - 1950) đã được giải thưởng về văn học nghệ thuật Nobel năm 1925. Ông cũng ăn chay trường từ năm 25 tuổi. Ông bảo chính những thi phẩm của Shelley đã làm cho ông thức tĩnh và thấy được sự đạo đức trong vấn đề chay lạt. Ông bảo có lần ông bị bịnh. Bác sĩ khuyến cáo ông hãy bỏ "cái tật xấu ăn chay" đó đi. Nếu không ông sẽ toi mạng vì kiệt sức. Nhưng ông vẫn bất chấp. Ông cũng mặc kệ trước những mỉa mai của bàng dân thiên hạ, vô công rổi nghề. Ông bảo chúng ta không nên quan tâm về sự dèm pha của số người chuyên ăn các thây ma của thú vật ấy. Ông thường trước tác những kịch bản và những văn phẩm liên hệ tới hành vi đạo đức của con người, tới sự sát sanh và những bạo động trên thế giới.

Albert Einstein (1879 - 1955), nhà bác học nổi danh của thế kỷ thứ 20. Người đã phát minh ra thuyết tương đối và được tặng giải Nobel về vật lý học năm 1921 cũng là một người ăn chay trường. Tuy ông chánh thức không theo tín ngưỡng nào nhưng là một người rất sùng đạo. Ông tin có Thượng Đế và vũ trụ này được điều khiển bởi một cơ Trời huyền diệu. Nếu không thì mọi sự vận hành trong vũ trụ sẽ loạn lên và không theo một quy luật nhất định. Ông là một người yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự sống của muôn loài và đã từng phát biểu: "Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay".


Văn hào Isaac Bashivis Singer (sinh năm 1904), từng đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nobel năm 1978 đã thọ chay trường từ năm 1962. Lúc đó ông vừa đúng 58 tuổi. Ông bảo ông rất lấy làm hối tiếc vì đã kéo dài thời gian ăn mặn quá lâu. Nhưng thà muộn còn hơn chẳng bao giờ ăn chay cả. Ông nghĩ rằng thuyết ăn chay để tránh sát sanh cũng cũng cùng hòa hợp với sự uyển chuyển huyền vi của Do Thái giáo. Ông bảo: "Chúng ta đều là con cái của Thượng Đế. Trong khi chúng ta cầu xin Thượng Đế tha tội cho chúng ta, thì ngược lại chúng ta cứ tiếp tục phạm tội sát hại sinh mạng của những động vật khác".

Đề cập tới tình trạng sức khỏe có thể bị ảnh hưởng bởi sự ăn chay, ông bảo rằng dó là hoàn toàn dựa trên ý thức của loài người. Ông cương quyết bảo: "Ngay cả việc ăn mặn có tốt cho cơ thể như thế nào chăng nữa, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận. Rất nhiều triết gia và các nhà truyền giáo trên thế giới đã rao giảng với tín đồ của họ rằng loài thú chẳng qua chỉ là những cái máy không linh hồn và không cảm giác. Những lời rao giảng như vậy là một sự nói láo, là sáng kiến và chủ trương của bọn ma vương và tà đạo mà thôi".

source: http://www.buddhismtoday.com/ 

Ăn chay và quan niệm của danh nhân thế giới (2)


 

Cùng một quan niệm trên, ông Benjamin Franklin (1706 - 1790), một khoa học gia và là một chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ, người đã bắt đầu ăn chay từ năm 16 tuổi đã bảo rằng nhờ ăn chay mà cơ thể của ông được trong sạch, tinh thần của ông được minh mẫn, trí óc của ông được tiến bộ và sự hiểu biết của ông được nhanh chóng hơn. Trong một bài tự thuật, ông có bình phẩm những người ăn mặn là những kẻ cố sát.

Thi sĩ Percy Bysshe Shelley (1792 - 1822) cũng là người ăn chay trường. Ông chủ trương chống báng việc sát hại súc vật để cung cấp thịt cho dân chúng tiêu thụ. Ông đã có lòng vị tha và bắt đầu ăn chay trường từ hồi còn là một sinh viên tại trường Đại học Oxford. Sau này ông thành hôn với bà Harriet. Cả hai vợ chồng đều chấp nhận một cuộc sống chay lạt thanh khiết. Trong một bức thư đề ngày 14-3-1812, bà Harriet đã tâm sự với một người bạn: "Vợ chồng chúng tôi đã kiêng thịt và ăn chay trường như ông Pythagore vậy". Một số thi phẩm của ông Shelley thường mang tính chất vị tha bác ái, khuyên nhủ mọi người tránh việc sát sanh, nên ăn chay và sống một cuộc đời thanh cao tốt đẹp.


Văn hào nước Nga Léon Tolstoi (1828 - 1910) đã thọ trường chay từ năm 1885. Ông chống đối thú săn bắn của một số giai cấp quý tộc và trưởng giả. Ông cũng chủ trương không sát sanh, chủ trương chủ thuyết hòa bình và ăn chay, tôn trọng sự sống của các loài sinh vật khác kể cả con ong và loài kiến. Ông tiên đoán những bạo động xảy ra triền miên trên thế giới chỉ vì loài người không biết tự chế tham vọng của mình. Sự kiện càng ngày càng tệ hại hơn và có thể xảy ra những cuộc chiến tranh khốc liệt làm xáo trộn cuộc sống an bình của nhân loại. Trong bài tham luận The First Step (Bước đầu tiên), Léon Tolstoi bảo rằng những người ăn thịt là những kẻ phản đạo đức và "phạm tội sát sinh". Ông nói thêm: "Sự sát sinh đã làm cho những người vốn có một tâm hồn cao thượng, có lòng vị tha đối với mọi người như đối với chính bản thân mình, trở thành những kẻ hung bạo".

Nhà soạn nhạc Richard Wagner tin tưởng mạnh mẽ rằng sự sống của mọi loài đều có tính cách bất khả xâm phạm. Ông bảo: "ăn chay là một sự dinh dưỡng thuần hợp với bản chất thiên nhiên, cứu vớt con người xa lánh những tâm địa và hành động tội lỗi, đồng thời ông cũng mong ước sau này sẽ được hóa sinh về nơi an lạc đời đời".

Ông Henry David Thoreau (1817 - 1862), văn hào Hoa Kỳ có khuynh hướng chống áp bức nô lệ, chủ trương một cuộc sống thanh bình và thuận lý thiên nhiên. Ông là người ăn chay định kỳ từ thuở nhỏ, đã bảo rằng: "Chúng ta không có trách cứ những người ăn mặn. Thực ra vì sự sinh tồn, loài người có thể sát sinh trên một bình diện nào đó. Nhưng đây là một biện pháp bất khả kháng và rất đáng thương tâm. Những người ăn mặn cần phải được hướng dẫn để cải thiện dần đường lối mưu sinh của mình, để họ tự ý thức và tự chọn lựa cho mình những thức ăn chay thanh đạm và cao khiết hơn. Theo sự suy nghiệm của bản thân tôi thì những sự kiện đó can dự một cách quan trọng vào vấn đề vận số của con người. Tôi tin rằng điều kiện ăn uống có thể cải thiện được. Xuyên qua tiến trình lịch sử của nhân loại, chúng ta há chẳng thấy những bộ lạc ăn thịt người từ thuở xa xưa, ngày nay họ không còn ăn thịt lẫn nhau vì đời sống càng ngày càng văn minh hơn và con người trong những bộ lạc đó đã có ý thức hơn".

Ăn chay và quan niệm của danh nhân thế giới (1)

Một hôm nọ, nhà vô địch quần vợt Peter Burwash đến viếng một lò sát sanh. Khi ra về ông đã bất nhẫn mà viết những cảm nghĩ của mình trong một quyển sách nhan đề là A Vegetarian Primer (Sách dạy ăn chay). Có đoạn ông viết: "Tôi không nỡ bóp nát một cánh hoa mong manh. Tôi đã chơi hockey với hết sức bình sanh của mình. Tôi cũng đã từng vùng vẫy và dọc ngang trên các sân quần vợt trong những trận thư hùng. Tôi không phải là loại người yếu đuối. Nhưng trước cảnh tượng mà tôi đã chứng kiến tại lò sát sanh, tôi thấy mình kinh khiếp và lòng mình mềm yếu vì thương hại".
"Khi tôi rời khỏi lò sát sanh, sự tội nghiệp đã dày vò lương tâm tôi. Tôi thầm nhủ sẽ không bao giờ có đủ can đảm đi sát hại một con vật dù lớn dù nhỏ. Tôi hiểu rằng có những nhân vật lỗi lạc trên thế giới họp nhau để bàn cãi về các vấn đề vật lý, kinh tế và môi sinh. Cũng có một số người có quan điểm tán đồng với chủ thuyết ăn chay. Song điều làm cho tôi chọn lấy con đường chay lạt không phải chạy theo chủ thuyết này hay chủ thuyết nọ mà chính vì những cảnh dã man mà con người đã đối xử một cách tồi tệ với các loài vật không phương tự vệ mà tôi đã tận mắt chứng kiến".
Trong thời kỳ cổ Hy Lạp và cổ La Mã, lòng từ bi và những quan niệm về sự đối xử đạo đức luôn luôn là những nguyên động lực chủ yếu khiến một số danh nhân khép minh trong việc thọ trì trai giới.


Ông Pythagore, nhà toán học lừng danh trên thế giới đã từng khuyên nhủ:
"Này bạn, xin đừng làm nhơ nhớp thân thể của mình bằng những thức ăn tội lỗi. Chúng ta đã có bắp, bôm, lê, rau trái thừa thải, sữa và mật ong ngọt lịm. Quả đất này đã cung ứng cho chúng ta những thức ăn vô tội một cách dồi dào, đã khoản đãi chúng ta bằng những bữa tiệc không can dự vào máu. Chỉ có loài thú này mới ăn thịt loài thú khác vì bản năng tự nhiên và vì đói. Nhưng không phải tất cả loài thú nào cũng vậy. Bởi vì trong số đó cũng có các loài như bò, ngựa và trừu... đều ăn cỏ".

Sử học gia Diogenes kể rằng, ông Pythagore dùng điểm tâm buổi sáng bằng bánh mì và mật ong và dùng bữa ăn chiều với nhiều loại rau quả. Ngài cũng đã thể hiện lòng từ bi bác ái qua những hành động thực tiễn bằng cách nhiều lần trả tiền cho một số ngư phủ để phóng sanh những con cá mà họ đã bắt được trở về lòng biển cả.

Ông Plutarch, triết gia người Hy Lạp nhận xét về ông Pythagore như sau: "Theo tôi sự từ tâm là lý do chính khiến ông Pythagore kiêng thịt. Ông không nỡ nhìn cảnh dẫy dụa và kêu rống thất thanh của những con vật khi bị người ta phanh thây xẻ thịt. Người ta giết những con vật đó không phải vì lý do chúng là thú dữ có khả năng nhiễu hại loài người, mà chính vì mục đích để thỏa mãn khẩu vị của họ mà thôi. Người ta bức tử những con vật ngây thơ không móng vuốt để tự vệ mà đáng lý ra theo luật Tạo Hóa, chúng cũng có quyền sinh tồn, bình đẳng và hiện diện để làm đẹp quả địa cầu này như tất cả mọi loài". Ông còn nhấn mạnh: "Nếu bảo rằng bản tính tự nhiên của loài người là ăn thịt các loài thú, thì thử hỏi chỉ với hai bàn tay trắng do Tạo Hóa sinh ra, mà không cần đến sự trợ lực của dao, mác, hèo, gậy, con người đã làm được gì các loài thú đó?"



   Ông Léonard Da Vinci (1452 - 1519), nhà danh họa và điêu khắc gia người Ý, đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng trên thế giới quan niệm ăn chay là đạo đức của con người. Sự ăn chay sẽ tránh được những tội ác về sát sinh. Ông còn nhấn mạnh rằng những ai không biết quý trọng sự sống của những sinh vật khác là những kẻ không đáng sống. Cơ thể của những người ăn mặn không khác gì những bãi tha ma để chôn vùi xác chết các thú vật mà họ đã ăn vào. Trong các quyển vỡ nhật ký, ông thường viết đầy những câu danh ngôn về lòng từ bi bác ái và luôn luôn có những hành động qúy thương các loài sinh vật khác.


Ông Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778), triết gia và là một văn hào người Pháp đã có những tác phẫm giá trị về mặt tư tưởng đã ảnh hưởng sâu xa đến nền văn học và cuộc cách mạng lịch sử tại quốc gia này. Ông là người chủ trương bênh vực sự hiện hữu của thiên nhiên và cổ xúy sự ăn chay. Ông nhận xét rằng phần đông những loài thú ăn thịt có bản tính hung tợn hơn những loài thú ăn cỏ. Và dĩ nhiên những người ăn chay trường sẽ hiền từ hơn những người ăn mặn. Ông còn đề nghị những người hành nghề đồ tể không được mời vào làm bồi thẩm đoàn tại các tòa án.



Kinh tế gia Adam Smith (1723 - 1790), trong quyển The Wealth of Nations xuất bản vào năm 1776 đã khuyến khích loài người ăn chay và đã thuyết minh về sự lợi ích của việc thọ trì trai giới. Ông bảo rằng việc ăn mặn xét ra không cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của con người. Chúng ta đã có ngũ cốc, rau quả, phó mát, dưa và dầu thực vật. Đó là những thức ăn cung cấp cho chúng ta những chất dinh dưỡng dồi dào. Thịt đối với chúng ta sẽ không nghĩa lý gì nếu chúng ta ăn chay đầy đủ và đúng cách.